Sức Khỏe

Sức Khỏe
Sức Khỏe

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Cảm Thấy Mình Già Trước Tuổi? Nên Xem Lại Cách Ngủ Nghỉ Của Mình

 

Cảm Thấy Mình Già Trước Tuổi? Nên Xem Lại Cách Ngủ Nghỉ Của Mình

https://vietbao.com/a318971/cam-thay-minh-gia-truoc-tuoi-nen-xem-lai-cach-ngu-nghi-cua-minh-

Cung Đô biên dịch


Theo nghiên cứu, ngủ đủ giấc và ngủ ngon trong 1 tháng có thể khiến chúng ta cảm thấy trẻ hơn trung bình khoảng 6 tuổi. (Nguồn: pixabay.com)

Theo hai nghiên cứu mới, thiếu ngủ có thể khiến quý vị cảm thấy mình già hơn tuổi thật từ 5 đến 10 tuổi.

Leonie Balter, chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ tại Đại Học Stockholm ở Thụy Điển và là tác giả chính của cả hai nghiên cứu, giải thích qua email: «Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến cảm giác về tuổi tác của bản thân.»

Theo các nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, các vấn đề liên quan đến sức khỏe và khả năng vận động có thể góp phần khiến chúng ta cảm thấy mình già trước tuổi. Nhưng khi nói về giấc ngủ, ngủ gật cũng thường khiến người ta cảm thấy mệt mỏi và già cỗi hơn.

Balter giải thích: «Thiếu ngủ sẽ gây ra cảm giác buồn ngủ. Mà buồn ngủ là một trạng thái quan trọng khiến ta chỉ muốn đi ngủ, không muốn làm gì khác. Điều này sẽ làm giảm mức năng lượng của cơ thể, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và kém tỉnh táo.» Bà cho biết thêm, thiếu năng lượng và động lực sẽ làm cho người ta cảm mình thấy già hơn, vì họ bị hạn chế khả năng duy trì các hoạt động thể chất và hoạt động xã hội. Mà các hoạt động như tập thể dục và giao tiếp xã hội thường giúp người ta cảm thấy trẻ trung.

Bác sĩ Chang-Ho Yun, giáo sư thần kinh học tại Đại Học Quốc Gia Seoul ở Seongnam, Hàn Quốc, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: «Tuổi tác có thể được hiểu theo nhiều khía cạnh: thời gian (tuổi đời tính theo năm sinh), sinh học (tuổi sinh học) và chủ quan (cảm nhận cá nhân). Nhìn chung, những phát hiện mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc để duy trì cảm giác trẻ trung theo góc độ chủ quan, và cũng có thể mang lại lợi ích cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất.»

Theo khoa học, cảm giác trẻ trung là một điều tốt. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người cảm thấy mình trẻ trung thường có khả năng sống lâu hơn, tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn, ít bị trầm cảm hơn và có nhiều đặc điểm tích cực như tinh thần lạc quan, hy vọng, và khả năng phục hồi, cùng với sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.

Trên thực tế, ở những người cảm thấy mình trẻ hơn tuổi thật, các đặc điểm của bộ não của họ thường có khuynh hướng tương tự như bộ não của những người trẻ hơn, chứ không giống như bộ não những người đồng trang lứa. Một nghiên cứu vào tháng 6/2018 phát hiện ra rằng những người cao niên tự thấy mình còn trẻ thường có nhiều chất xám hơn trong não, và được đánh giá có bộ não trẻ tuổi hơn trong các bài kiểm tra về tuổi của não bộ.

Hai nghiên cứu cho các kết quả tương tự

Balter và nhóm nghiên cứu của bà đã thực hiện hai nghiên cứu về vấn đề này. Một nghiên cứu xem xét cách mà 429 người trong độ tuổi từ 18 đến 70 đã ngủ tại nhà trong vòng một tháng trước đó. Kết quả cho thấy rằng mỗi đêm bị thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, người ta cảm thấy già hơn khoảng 3 tháng tuổi so với tuổi thực.

Yun cho hay: «Những thay đổi về tâm trạng và cảm giác mệt mỏi cũng có ảnh hướng đến cảm nhận chủ quan về tuổi tác. Các thay đổi này thường là kết quả điển hình của tình trạng thiếu ngủ, và có thể khiến cho người ta càng cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ hơn, cũng như cảm thấy mình già đi nhiều hơn.»

Ngược lại, nếu có thể ngủ ngon trong khoảng một tháng, người ta sẽ cảm thấy trẻ hơn trung bình khoảng 6 tuổi so với tuổi thật.

Mất ngủ trầm trọng thì sao?

Với nghiên cứu thứ hai, 186 người tham gia được yêu cầu ngủ trong phòng thí nghiệm trong hai đêm, nhưng không được ngủ quá 4 giờ mỗi đêm. Khi mọi người trải qua mức độ thiếu ngủ như trên, cảm giác già trước tuổi theo góc độ chủ quan của họ đã trở nên lớn hơn đáng kể. Trung bình, người tham gia nghiên cứu cảm thấy mình già hơn gần 4 tuổi rưỡi so với tuổi thật.

Bị thiếu ngủ và ngủ không ngon, thì sau bao lâu mới có thể phục hồi và cảm thấy trẻ trung trở lại?

Balter nói: «Không thể nói chính xác là bao lâu. Nhưng dữ liệu của chúng tôi cho thấy quá trình này có thể diễn ra khá nhanh. Bất kỳ biện pháp nào giúp giảm cảm giác buồn ngủ đều có thể tác động ngay lập tức đến cảm nhận về tuổi tác. Tuy nhiên, để có hiệu quả đáng kể và lâu dài, cần phải đảm bảo ngủ đủ giấc.»

Trong nghiên cứu thứ hai, nhóm nghiên cứu đã theo dõi cảm giác buồn ngủ của những người tham gia, và sử dụng một thang đo để đánh giá mức độ buồn ngủ. Kết quả cho thấy, mỗi khi cảm giác buồn ngủ tăng lên một đơn vị trên thang đo, người tham gia cảm thấy họ già hơn tuổi thật khoảng 1.23 năm.

Trong các nghiên cứu, giới tính của người tham gia không ảnh hưởng đến kết quả, nhưng dạng chu kỳ giấc ngủ (sleep chronotype) thì lại có. Những người ngủ sớm dậy sớm, thường được gọi là ‘chim sâu dậy sớm’ (early birds), cảm nhận tác động của giấc ngủ đối với cảm nhận tuổi tác sâu sắc hơn.

Những người thuộc kiểu ‘chim sâu dậy sớm’ thường tự đánh giá mình già hơn 5 tuổi so với những người thuộc kiểu ‘cú mèo thức đêm’ (night owls), và già hơn 4 tuổi so với những người thuộc kiểu trung bình không quá thiêng về dạng nào. Tuy nhiên, khi kiểu ‘chim sâu dậy sớm’ ngủ đủ 9 tiếng mỗi đêm, họ sẽ cảm thấy trẻ trung yêu đời hơn rất nhiều.

Vậy ‘chim sâu dậy sớm’ có cần ngủ nhiều hơn ‘cú mèo thức đêm’ không?

Balter và nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo: «Những phát hiện mới cho thấy giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc duy trì cảm giác trẻ trung.»

Yun nhấn mạnh rằng việc ưu tiên ngủ đủ giấc là rất quan trọng để cải thiện sức khỏe tổng thể. Ông nói: «Nếu nghi ngờ rằng mình bị thiếu ngủ là do đang gặp phải các vấn đề như mất ngủ (insomnia) hoặc ngủ ngáy nghẹt thở (sleep apnea), quý vị hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị ngay. Xin hãy nhớ rằng, muốn trẻ trung yêu đời hơn, cứ phải ngủ ngon trước đã!»

Cung Đô biên dịch

Nguồn: «Feeling older than you are?
It could be how you sleep»
được đăng trên trang CNN.com.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tiểu đêm

Đi tiểu đêm   Tiến sĩ Bansal, bác sĩ nổi tiếng của Shivpuri, giải thích rằng tiểu đêm thực chất là một triệu chứng của sự tắc nghẽn lưu lượn...